Lãng du về nơi “muối đời” mặn chát Kính tặng CBCNV Công ty Cổ phần Đường sắt Nghĩa Bình- đơn vị anh hùng Untitled Document



GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC

Lịch sử 40 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của Công ty Cổ phần Đường sắt Nghĩa Bình là một chặng đường dài đầy khó khăn, gian khổ; Song, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo các cấp ngành Đường sắt Việt Nam, của UBND hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, sự hợp tác giúp đỡ có hiệu quả của các Sở ngành, chính quyền cơ sở và nhân dân địa phương có đường sắt đi qua, toàn thể CBCNVC-LĐ Công ty bằng tất cả trái tim, khối óc; bằng ý chí nghị lực với tinh thần lao động cần cù sáng tạo, những người thợ cầu đường đã làm nên những điều kỳ diệu. Ghi nhận những cống hiến của CBCNV - NLĐ Công ty trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu đơn vị "Anh hùng lao động" trong thời kỳ đổi mới năm 1996, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2001, hạng Nhì năm 2006, hạng nhất năm 2011, Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều cờ thi đua của Chính phủ, các Bộ, Ngành... 


Lãng du về nơi “muối đời” mặn chát Kính tặng CBCNV Công ty Cổ phần Đường sắt Nghĩa Bình- đơn vị anh hùng

Dường như ánh trăng đang vắt kiệt sức mình để tỏa sáng, tôi liên tưởng đến ĐS Nghĩa Bình là một ánh trăng cũng đang lan tỏa thứ ánh sáng trong trẻo và dịu mắt đến vô ngần… để rồi năm tháng đã kết tủa nên thứ “muối đời” mặn chát!
     Có người nói tình người là thứ “muối đời” mặn nhất, thế ra lâu này con người có thể “đo đếm” tình nghĩa ở đời qua cung cách ứng xử, cùng ánh mắt nụ cười… bây giờ còn “nếm” được cả vị mặn, nhạt của tình nghĩa con người với nhau. Cám ơn nghề làm báo đã cho tôi có dịp đi, đến, trải nghiệm với nhiều vùng đất, với nhiều con người và cũng được “nếm” đủ độ mặn, nhạt của thứ “muối đời”. Thú thật, dù con tim và tâm hồn tôi đã “neo” chặt với những con người và mảnh đất này, nhưng khi viết chỉ dám dùng từ lãng du vì chắc chắn có những địa danh, những km đường sắt, những cây cầu, chiếc hầm tôi chưa đặt chân tới, nhất là những con người mà mình chưa gặp, chưa được tận hưởng thứ “muối đời” các anh, các chị dành cho - mảnh đất ấy là nơi xứ dừa Bình Định và những con người ấy – cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần  Đường sắt Nghĩa Bình.
      Đã mấy chục năm rồi, bây giờ nghĩ lại mà thấy sự việc như mới xảy ra hôm qua, lần ấy Tổng biên tập Chu Thăng gọi tôi vào giao nhiệm vụ “cậu vào Xí nghiệp QLĐS Nghĩa Bình (nay là Công ty Cổ phần Đường sắt Nghĩa Bình) tìm hiểu viết bài về “phong trào” “Chính qui-Văn hóa-An toàn” của xí nghiệp. Đây là điểm sáng của ngành”. Hăm hở lên đường vào gần đến nơi, tôi được biết cơn lũ quét đã làm sạt lở nhiều Km ĐS do Xí nghiệp QLĐS Nghĩa Bình quản lý. Vì vậy Giám đốc và lực lượng chủ chốt của xí nghiệp đang dồn sức cứu chữa cầu đường. Trong cái rủi có cái may, lần ấy tôi đã “đích mục sở thị” đội quân thiện chiến “cầu đường Nghĩa Bình” mà lâu nay chỉ mới nghe tên. “Nhất thủy nhì hỏa” đúng là sự tàn phá của thiên tai đứng đầu là sức nước, các cụ nói chả sai ly nào. Con ĐS bình thường vững vàng, chắc chắn là vậy, thế mà trong thời gian ngắn cơn lũ quét đã “thổi” bay gần trăm mét, hàng nghìn mét khối đất đã bị cuốn phăng, nhiều đoạn nền đường bị khoét sâu hàng chục mét, những cầu ray còn dính lại vài chiếc tà vẹt, treo lơ lửng giữa dòng nước xiết như chiếc xương cá khổng lồ… Ấy vậy mà giữa cái thời tiết đỏng đảnh lúc mưa, lúc nắng, hàng trăm con người như đã được “lập trình sẵn” người nào việc ấy, tốp khuôn vác tà vẹt, tốp chồng nề làm cầu tạm, tốp chuyển đá, tốp chuyển ray… những bước chân thoăn thoắt, những đôi tay vạm vỡ rắn chắc và những chiếc áo của người thợ thấm đẫm mồ hôi với tinh thần không khí lao động sôi nổi khẩn trương ấy hàng trăm mét ĐS đã được làm mới, kịp thời thông tuyến trong hơn chục tiếng đồng hồ, mọi niềm vui như vỡ òa khi con tàu thông xe kỹ thuật chạy qua an toàn.
      “Kết thúc trận đánh”, Giám đốc Xí nghiệp QLĐS Nghĩa Bình Nguyễn Như Tòng kéo tôi lên chiếc goòng  chở vật tư cứu chữa ĐS chạy về Quy Nhơn khi thành phố đã lên đèn. Cơm nước xong, cứ tưởng việc đôn đáo chỉ huy cứu chữa cầu đường đã “vắt” kiệt sức, nhưng Giám đốc Nguyễn Như Tòng sau khi trao tách trà nóng cho tôi đã vui vẻ vào chuyện: “Tranh thủ làm việc nghe, nghề cầu đường, nhất là mùa mưa lũ kiếm được chút thời gian rảnh rỗi là rất khó, nhà báo thông cảm nhé…” Thế rồi như một tự sự: bí quyết thành công của xí nghiệp ư? Chẳng dấu gì sản phẩm của chúng tôi là mét đường, cây cầu, tốc độ và an toàn…nó không phải là hàng hóa sản xuất trong công xưởng, phòng thí nghiệm…nên có gì bí mật được đâu, mọi việc đều tuân theo QTQP và công nghệ sửa chữa cầu đường của ngành, nếu gọi là “bí quyết” phải chăng đó là tình yêu con đường, cây cầu hay gọi khác đi là tình yêu nghề nghiệp. Mà đã yêu phải say đắm, phải sáng tạo dành mọi tâm huyết cho nó. Nhấp một ngụm nước nhỏ, Giám đốc Nguyễn Như Tòng nói tiếp: “Xí nghiệp chúng tôi quản lý 203,5km ĐS Thống nhất từ km 903+00 đến 1096+200 và 10,5km ĐS Diêu Trì – Quy Nhơn, với trên 500 cầu cống lớn nhỏ với tổng chiều dài hơn 10.600m, 471.000m2 kè, 26 đường ngang có người gác, 65 đường ngang không phòng vệ (hiện nay là 35 đường ngang có người gác, 56 đường ngang CBTĐ và biển báo) nằm dọc 61 xã, phường, 13 huyện thị thành phố đi qua hai tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi. Khi mới tiếp quản tuyến ĐS này hầu hết là ray nhỏ (P.30), tà vẹt sắt han rỉ, thiếu đá, nền đường sạt lở, phụt bùn… Cộng với thời tiết khắc nghiệt của miền Trung là những tác nhân tàn phá nặng nề con đường. Đứng trước những khó khăn thách thức ấy lãnh đạo chúng tôi đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Từ xưa ông cha chúng ta là đã dạy: “có thực mới vực được đạo”, “an cư lạc nghiệp”. Vì vậy phương châm của xí nghiệp chúng tôi là đầu tư cho con người là cách tốt nhất đầu tư cho con đường, vì con người là chủ nhân của con đường. Ấy vậy, mà lâu nay mấy ai đã hiểu hết nỗi nhọc nhằn gian khổ của những chủ nhân con đường, cây cầu… Họ đã một thời được gọi với cái tên “cu ly” hay nghề “vái giời”. Họ cũng hai sương một nắng như người nông dân. Để tránh cái nắng thiêu da, cháy thịt nơi xứ sở khắc nghiệt miền Trung, họ phải đi làm khi sương chưa tan, về khi sương đã xuống. Ngày ngày, vẫn “điệp khúc”: sàng đá pha cốt, nâng giật chèn, dồn ray đối xứng, thay tà vẹt, sửa vai đường… công việc đã cực nhọc như vậy, mà môi trường làm việc còn cực hơn. Con ĐS vốn là nơi chứa đựng mọi thứ rác thải hành khách xả xuống, còn người thợ hàng ngày phải tiếp xúc với nó, lúc nắng gắt, khi mưa dầm, mùi xú uế xông lên nồng nặc, ảnh hưởng không ít đến sức khỏe… Để vơi đi nỗi nhọc nhằn, phá đi nỗi mặc cảm nghề nghiệp, cách tốt nhất là cải thiện điều kiện làm việc, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người thợ. Xí nghiệp chúng tôi đã tập trung xây dựng các cung tổ “Chính qui-Văn hóa-An toàn” chỉ trong thời gian ngắn, tất cả cung tổ trên toàn tuyến đều có nhà cửa khang trang, có bồn hoa cây cảnh, nhà tắm, giếng khơi, sau này còn có cả nước máy cho công nhân tắm giặt, sàn nhà lát gạch men, vào nhà giầy dép để ngoài, 100% cung tổ có đài, ti vi, sân bóng chuyền, có nơi có cả sân tennis… khi lãnh đạo có chủ trương đúng hợp lòng CBCNV, lại biết cách tổ chức, động viên... thì mọi phong trào và công sức thành quả đều do người thợ làm ra cả… phải chăng đó là chân lý vĩnh hằng đúng không nhà báo – Tôi cười và đế thêm “ Ngôn dị hành nan” ở đời  bao giờ nói cũng dễ hơn làm, được như hôm nay là cả quá trình phấn đấu bền bỉ của hơn 700 CBCNV xí nghiệp chứ chẳng dễ gì một sớm, một chiều mà có được, tôi chủ động để kết thúc câu chuyện đầy cởi mở với Giám đốc Nguyễn Như Tòng.
      Ngày ấy, ông Đoàn Văn Xê, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Liên hiệp ĐSVN đã phát biểu tại lễ tổng kết 3 năm phong trào “Chính qui-Văn hóa-An toàn” của ngành ĐS: “Làm nên thành tích như Xí nghiệp QLĐS Nghĩa Bình đã khó, giữ vững thành tích ấy còn khó hơn nhiều…”. Cho đến nay, không phải 3 năm mà đã trên 30 năm Công ty QLĐS Nghĩa Bình đã giữ vững danh hiệu ấy, với thành tích thật đáng khâm phục. Chỉ xin điểm vài nét chính năm 2013 của Công ty QLĐS Nghĩa Bình: Tổng sản lượng, doanh thu trên 126 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2012; đảm bảo ATCT liên tục. Tốc độ bình quên trên toàn tuyến 80,77 km/h, là một trong những đoạn đường có tốc độ cao nhất, an toàn nhất toàn ngành ĐS. Đáng chú ý là đơn vị đầu tiên trong ngành họp giao ban qua hệ thống truyền hình. Đơn vị anh hùng lao động và nhiều phần thưởng cao quí khác… Đặc biệt cũng 32 năm Công ty QLĐS Nghĩa Bình liên tục tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao. Đây là dịp những người thợ gian lao vất vả với con ĐS được trở thành vận động viên, diễn viên dưới ánh đèn sân khấu họ thử sức thi tài hát về Đảng quang vinh, đất nước và ngành ĐS đổi mới. Những bàn tay chai sạn, quanh năm cầm búa, cầm cuốc chăm sóc con ĐS nay thành “nghệ nhân” sinh vật cảnh với bàn tay khéo léo, óc sáng tạo đã thổi hồn vào những tác phẩm bon sai. Rồi những pha bóng tấn công, những cú “bỏ cầu” điêu luyện, cùng những thế cờ hóc hiểm… tất cả làm nên những Ngày hội VHTT tưng bừng của những người thợ cầu đường Nghĩa Bình. Đến đây tôi mới thấm hiểu lời ông Lê Quang Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty QLĐS Nghĩa Bình: “Truyền thống của đơn vị chỉ có ý nghĩa khi nó được giữ vững và ngày càng phát huy tốt đẹp hơn…”
      Tôi đã có những kỷ niệm ngọt ngào bên những người thợ các cung đường, Bình Định, Đèo Nhông, Vạn Phú… những phút giây cùng ngắm những giọt nắng xuân đọng trên tán dừa nơi quê hương Tây Sơn lịch sử với những người thợ cung cầu Tam Quan, Bồng Sơn, Phù Mỹ… lại có những đêm mông lung tựa hồ như trong thung sâu, nơi hầm Phú Cũ, rồi tận hưởng làn sương mời giăng như tấm khăn voan mơ hồ xung quanh con hầm Bình Đê giữa núi rừng đêm khuya cô tịch… để cùng vui niềm vui lao động và sẻ chia những giây phút lãng mạn, cùng những gian khó nhọc nhằn với những người thợ cầu đường Nghĩa Bình. Tôi cũng đã từng được nghe những lời tâm sự hết sức gan ruột, đầy trách nhiệm và chân thành không chỉ của lãnh đạo xí nghiệp và cả những người thợ cầu đường: “Mỗi con sóng đều biết tìm vào bờ, mỗi đảng viên, mỗi người thợ chân chính phải biết mình làm việc vì ai, vì mục đích gì từ đó mới có sáng tạo và cống hiến cho cây cầu và con đường, cao hơn là uy tín và niềm tin  của đơn vị…”. Phải chăng đó là “phông” là “nền” văn hóa, là hồn cốt, là tình đất, tình người làm nên “điểm sáng” Công ty QLĐS Nghĩa Bình. Đã có nhiều ghi nhận, nhiều lời khen “ có cánh” với Công ty QLĐS Nghĩa Bình, nhưng dung dị mà đằm thắm, mộc mạc nhưng lại sâu sắc  là lời khen của cánh lái tàu :”cứ mát tay ga cho hết công lệnh tốc độ cho phép, đây là đường ông Tòng, ông Nghĩa mà”, hay chị em cung ứng trên tàu “đường ông Tòng, ông Nghĩa êm thuận, chẳng sợ bát canh múc đầy bị sóng đổ ra bàn ăn, cứ đầy đặn vào cho hành khách như sự đầy đặn và thủy chung của người thợ  với con ĐS nơi này”.
      Khi viết những dòng này vào sớm Xuân Giáp Ngọ, sức xuân ấm áp đang lan tỏa dâng đầy… Nhưng bất giác tôi nhớ đến đêm thu – đêm kết thúc Ngày hội văn hóa thể thao lần thứ 32 (2012) của Công ty QLĐS Nghĩa Bình – đêm thu ấy thật đẹp, bầu trời trong vắt không gian bao la của vũ trụ chỉ có ánh trăng. Dường như ánh trăng đang vắt kiệt sức mình để tỏa sáng, tôi liên tưởng đến ĐS Nghĩa Bình là một ánh trăng cũng đang lan tỏa thứ ánh sáng trong trẻo và dịu mắt đến vô ngần… để rồi năm tháng đã  kết tủa nên thứ “muối đời” mặn chát!
                                                                                                                             Đặng Tiến Dũng
 
Bài viết chuyên đề khác