Những ngọn đèn dầu Untitled Document



GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC

Lịch sử 40 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của Công ty Cổ phần Đường sắt Nghĩa Bình là một chặng đường dài đầy khó khăn, gian khổ; Song, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo các cấp ngành Đường sắt Việt Nam, của UBND hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, sự hợp tác giúp đỡ có hiệu quả của các Sở ngành, chính quyền cơ sở và nhân dân địa phương có đường sắt đi qua, toàn thể CBCNVC-LĐ Công ty bằng tất cả trái tim, khối óc; bằng ý chí nghị lực với tinh thần lao động cần cù sáng tạo, những người thợ cầu đường đã làm nên những điều kỳ diệu. Ghi nhận những cống hiến của CBCNV - NLĐ Công ty trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu đơn vị "Anh hùng lao động" trong thời kỳ đổi mới năm 1996, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2001, hạng Nhì năm 2006, hạng nhất năm 2011, Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều cờ thi đua của Chính phủ, các Bộ, Ngành... 


Những ngọn đèn dầu

Bút ký của LÊ ĐÌNH CÁNH
(Nhà văn)


Ông khách nằm cung toa với tôi là cán bộ xuất khẩu hải sản tươi sống. Ra Bắc vào Nam như cơm bữa. Thừa tiền mua vé máy bay, nhưng ông lại thích đi tàu. Nằm, ngồi, đi lại tùy ý. Đến các ga tàu dừng ăn uống tùy hứng. Ông quen biết các đoàn tàu Thống Nhất. Có thể chỉ ra vài nét riêng từng người làm trên tàu. Chẳng hạn như trưởng tàu này tuổi Canh Tý đang khát con trai. Cô tiếp viên nọ có nốt ruồi đỏ gần bờ vai. Ông chia ngành Đường sắt thành hai phần không đều nhau là phần nổi và phần chìm. Phần nổi là các đoàn tàu, các nhà ga, mặt tiền của Ngành, mấy năm nay khởi sắc. Đâu cũng gặp cửa kính nhôm sáng choang. Thiết bị điện quang đời sống mới. Những tà áo màu tha thướt. Những đôi giày hợp mốt đắt tiền. Phần chìm là những cung đường. Thời bao cấp cán bộ công nhân viên ở các nhà ga, các đoàn tàu thất thế xuống đây. Là nơi hứng chịu tất cả những gì hành khách thải ra khi đoàn tàu lăn bánh. Nơi đây vẫn là những  viên đá rắn đanh khô khốc lăn lóc trên đường. Những tà vẹt phơi mặt cùng mưa nắng. Những thanh gồng mình lên nâng bánh các đoàn tàu. Những bộ quần áo lao động sờn vẹt một thời trai. Những chiếc đèn dầu bốn mặt đêm đêm lầm lũi trên đường. Khi đoàn tàu chậm chậm vào ga, hoặc từ từ lăn bánh rời ga, ông chỉ cho tôi những cụm nhà khiêm tốn nép kề ga, đấy là trụ sở của những cung đường. Thường không có lối đi riêng. Đa phần đi tắt sau ga. Sau những chỉ dẫn, ông nói:

“Đặc điểm của Đường sắt miền Trung là chưa có tiền rải đường vào ga xép. Nói chi tới lối vào của mỗi cung đường”.

    Khi đoàn tàu đi vào địa phận Quảng Ngãi, ông ngồi im lặng nhìn ra của sổ. Ngoài kia, bạt ngàn đồng mía đến kỳ thu hoạch. Lác đác trổ cờ như thể bông lau. Có lúc ông ghé sát lưới bảo vệ như để tận mắt nhìn rõ điều gì vô cùng vô cùng hệ trọng. Gương mặt ông chợt vui, chợt buồn theo cảnh vật hai bên đường. Thì ra ông đã ở đây. Đã từng cầm súng ở chiến trường khu Năm ác liệt. Sau giải phóng, ồ ạt xây dựng Đường sắt Thống nhất ông xin chuyển ngành. Ông không sợ gian khó, nhưng sợ cảnh sống vật vờ của các lán công trường. Thời ấy, mấy ai dám nhận mình là công nhân đường sắt. Thường nói dối là đoàn tàu nọ, nhà ga kia. Là trai chưa vợ, nhiều lần ông phải dằn lòng giả bộ tươi cười khi các cô gái quê trêu đùa:

Củ lang nho nhỏ lại sùng
Lấy chồng đường sắt, thà lấy ông khùng sướng hơn

Nhiều lúc đang làm trên đường, ngước nhìn lên cửa sổ toa tàu, chợt nhận ra người quen, ông vội kéo mũ sụp xuống, quay mặt đi. Hồi ấy người dân ở đây vẫn theo cách cũ gọi công nhân đường sắt là phu, là cu ly. Một lần nhà dân ở bên cạnh đường mất trộm gà đang ấp dở, nhà chủ nhà nguyền rủa kẻ trộm đủ điều. Chưa hả giận bà còn cầu trời trừng phạt con cháu của kẻ ấy phải chịu kiếp cu ly đường sắt phơi nắng dầm mưa suốt đời. Ai nấy nghe cười ra nước mắt. Ông đã ó ý xin chuyển nghề. Tiếp sau đó cung đường của ông bị trên ép xuống ba người. Hai hủ hóa, một tham ô. Lòng tự trọng bị xúc phạm, ông nhảy liều sang thu mua hải sản. Tưởng đời tanh ai ngờ lại thơm. Rồi thành người của xuất khẩu. Đi công tác nằm toàn gường hạng nhất toa máy lạnh. Thỉnh thoảng vi vu Tây Tàu. Đời lên hương. Buổi sáng ông chê cơm hộp tàu khó nuốt. Buổi chiều vẫn nhận lại hộp cơm. Lại đòi thêm canh, tới mức gần tràn miệng bát mới thôi. Ông không ăn, chỉ ngồi nhìn. Rồi bất chợt nói với chúng tôi:


Các ông trông kìa. Tàu chạy nhanh thế kia. Bát canh đầy có ngọn mà chỉ khẽ song sánh, không tràn ra ngoài. Đoạn này hồi trước tàu nhảy chồm chồm. Bây giờ êm ru. Thú vị thật. Điều tôi không tin, rồi cũng phải tin.

- Điều gì vậy?

- Điều của quá khứ. Cuối thời bao cấp, đơn vị chúng tôi lình sình lắm. Nhiều quân sư kiếm kế thoát lầy… Nói đến đây, ông chợt ngừng, lấy thìa gõ vào bát canh theo nhịp của đoàn tàu. Sau cái lắc đầu, ông kể tiếp. Điều mà ông cho là viễn vông, sách vỡ, khó mà thực hiện, lại được thời gian chấp nhận. Đó là quan niệm coi xí nghiệp như trường học. Một loại trường học đặc biệt, mỗi học viên lao động trên cung đường để tự nuôi sống mình và gia đình. Có các lớp bổ túc văn hóa. Có các lớp tại chức từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học. Có các lớp ngoại ngữ. Ai cũng phải học. Mỗi đội là một phân hiệu. Mỗi cung đường là một lớp học. Các cán bộ phụ trách phòng, ban, các đội, các cung đường phải là một giáo viên. Nơi ăn, chốn ở dù ở thành phố hay các cung đường xa xôi hẻo lánh phải được tổ chức sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ như ký túc xá trường học. Ngoài văn hóa, chuyên môn còn khuyến khích các lớp ngoại khóa âm nhạc, hội họa, thể thao… ông còn cho biết thêm, một trong số những người đề ra phương án trên là Kỹ sư Bách khoa Nguyễn Như Tòng, vốn là cán bộ giảng dạy trường Đường sắt chuyển về. Nay ông là Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Đường sắt Nghĩa Bình. Ngoài tuyến Thống Nhất, Xí nghiệp còn quản lý thêm đoạn Diêu Trì đi Quy Nhơn. Đang nằm lim dim bỗng nhiên ông ngồi dậy thì thầm:

- Sắp qua cầu Bồng Sơn. Đã già yếu nhất lại có bốn nhịp cầu lệch tim. Khi qua cầu lái tàu thót tim. Gác cầu đứng tim. Cầu đường còn nhiều nỗi gian truân. Bù lại các ga chính đã khanh trang. Thay đổi bộ mặt nhà ga, đoàn tàu thì dễ. Thay đổi được thân phận người công nhân đường sắt thì… Nơi ấy bạn bè tôi còn ở lại…

Nói chưa hết câu, đôi mắt ông chợt buồn. Một vẻ buồn trở lại quá khứ, nhớ lại người xưa, tìm lại chính mình sao mà dễ gần, dễ mến… Hơn mười năm về trước nhiều người từ đường sắt ra đi. Một số chán nghề. Một số giảm biên chế. Đa phần ở lại. Đâu phải dễ dàng yên tâm với công việc đập đá, gánh đất, khiêng tà vẹt nặng nhọc trên công trường. Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai, câu ca xưa đã hát. Người đời gọi các anh là gì cũng được. Chấp nhận tất. Chấp nhận trong yên lặng, thoáng chút phân vân về tiền đồ cá nhân. Nghe những người đi trước nói về tương lai, về hướng phấn đấu vươn lên từ các cung đường cứ cho là nói chuyện đâu đâu, xa vời tầm ước mơ. Nhìn trở lại, thoắt đã hai chục năm trời. Nhớ lại những ngày ao ước mà buồn cười . Ước ngày có ba bữa cơm no, ước gì đủ nước để tắm giặt sau một ngày vất vả nặng nhọc. Ước gì có chỗ nền khô trải manh chiếu sờn, ngủ qua đêm mưa gió vật vờ… Ước gì đêm có điện, có ti vi… Hai chục năm qua tuyến đường đã thanh lý dần những loại ước mơ như vậy. Đã chứng kiến bao cuộc tiễn đưa. Những ngôi nhà ngói đỏ khang trang kiên cố đã tiễn đưa những mái lá công trình tạm bợ vào an nghỉ trong bảo tàng. Những bể chứa nước bằng thép không rĩ bừng sáng dưới nắng chiều, tiễn đưa những chiếc gầu nước vẹt mòn đi vào quá khứ. Sân cầu lông, sân bóng chuyền tiễn đưa những chiều đợi cơm ngồi ngắm bóng mình vào nổi nhớ buồn. Những chiếc máy chèn đá, máy tán ri vê, máy đột lỗ tà vẹt, máy mài bê tông… tiễn đưa những ngày lao động cơ bắp giản đơn vào kỷ niệm. Tất cả những cuộc tiễn đưa cụ thể ấy từng bước góp phần làm nên cuốc tiễn đưa trừu tượng trong lòng mỗi con người. Tiễn đưa những nỗi mặc cảm về thân phận cu ly của người công nhân đường sắt vĩnh viễn đi vào dĩ vãng. Những người có chí vừa học vừa làm đã trưởng thành. Xí nghiệp có nhiều thợ trẻ bậc cao. Lại có thêm cử nhân kinh tế, giao thông, tài chính. Sắp có cử nhân luật. Nhiều công nhân ở các cung đường được giao nhiệm vụ mới. Anh Nguyễn Văn Nhân - Phó phòng Tổng hợp, Anh Đào Văn Linh - Phó ga Diêu Trì… Có đi mới đến là như vậy. Chặng đường đi lên nhiều chuyện vui. Có lần về phép thăm nhà, anh công trẻ khoe với mọi người là đối tượng Đảng. Bữa cơm đang vui, bỗng lặng đi. Bà má thở dài nói:

-Liệu cơm gắp mắm con ạ. Kẻo mà lực bất tòng tâm. Người ta khác, con khác. Mang lý lịch của ba mày nặng trĩu trên lưng, bơi qua thế nào được đại dương…

Nói rồi, bà buông đũa đứng dậy đi nằm. Năm sau anh lại về phép. Đợi đến bữa cơm chiều anh mới khoe với cả nhà là được kết nạp vào Đảng, được đề bạt, được đi học tại chức… Má dừng đũa mỉm cười cùng anh, nước mắt dàn dụa. Ba anh đặt bát xuống mâm, mắt đăm chiêu nhìn lên nóc nhà, khẽ khàng như thể nói riêng với mình:

-Đời cha ăn mặn…

Mười năm về trước đâu có thi tuyển công nhân như bây giờ. Đủ mọi tầng lớp xã hội, từ các nơi đùn về. Cung Mộ Đức phải nhận một bụi đời có hạng của Thị xã Quảng Ngãi. Ngay buổi sáng đầu tiên gọi dậy đi làm anh chàng vẫn nằm liều. Lần thứ ba lên gặp lãnh đạo. Vẫn nằm liều lại còn nói ngang. Ai cũng chán anh chàng có võ. Cung trưởng Hồ Trung Lãnh đích thân xuống gọi. Vùng dậy chàng bụi đời tung ngay miếng võ hiểm. Cung trưởng vốn là con nhà võ lâu đời. Đây là lần đầu anh phải dùng thế võ phòng thân. Biết gặp cao thủ anh chàng lặng lẽ đứng dậy đi làm. Dần dần làm ăn hiền lành, học hành chăm chỉ đủ tiêu chuẩn đi nghĩa vụ. Nay là sỹ quan quân đội. Theo các anh võ nghệ càng cao, lại càng phải điềm tĩnh, càng thêm khiêm nhường. Có gia đình thuộc dòng võ nổi tiếng, cậy thế người thân có chức có quyền, ngang nhiên lấn chiếm hành lang bảo vệ đường sắt làm đường vận chuyển vật liệu xây dựng. Cung đường xây rào chắn. Họ lôi kéo người giỏi võ đến gây sự. Thậm chí còn xui học sinh khiêu khích ném đá chửi bậy để kiếm cớ hành hung. Thấy vậy, một công nhân trẻ giỏi võ dịu dàng nói:

-Các em ơi. Việc của người lớn. Tan học, các em về nhà đi kẻo đói bụng lắm rồi…

Một công nhân khác giỏi võ hơn, xin phép đám đông tìm đến cụ già quắc thước, râu tóc bạc phơ đứng khất sau. Anh khẽ khàng thưa:

-Thưa cụ. Chúng con chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu của cụ. Chúng con xin thưa với cụ vài lời.Đi qua đất quê ta, đoan đường sắt này cũng là của quê ta. Từ nơi khác đến đây, trông coi cung đường của quê ta, chúng con có điều gì không nên, không phải, xin cụ dạy bảo như thể con cháu trong nhà…

Trưa hè oi ngột. Mặt trời đỏ gay. Những gương mặt bừng bừng hơi men đỏ gay. Cụ già im lặng lắng nghe. Chòm râu phơ phất. Nắng trưa dịu dần… Cũng theo cách nghĩ của các anh: Người học võ phải học cách ăn ở giản dị, ngăn nắp gọn gàng. Cung đường Mộ Đức là nơi sạch đẹp đầu tiên, từ đây lan ra toàn xí nghiệp. Trước hết là sạch gầm gường, vứt rác đúng nơi quy định tưởng dễ mà lại khó, vẫn còn người vứt lẫn túi ni lông vào thùng đựng giấy. Lúc đầu thấy gò bó, sau dần thành quen. Dần dần mùi mô hôi khét nắng, mùi bụi đường khê nồng, mùi bùn ẩm ướt của công trình không còn ám ảnh , khu nhà dịu mát, thuần khiết hương cây. Về đến nhà ai nấy cứ tưởng mình đi lạc vào khu nghỉ mát nào đấy. Ở đâu cũng vậy, nơi xây dựng khu tập thể cung đường là mảnh đất đầu thừa đuôi thẹo sau ga. Lấy đâu đất mà mở rộng sân trước vườn sau. Không có điều kiện vĩ mô cổ thụ non cao. Học người xưa các anh tự hào nên vi mô sơn thủy hữu tình.


 
Hoa dại, cây cằn chốn hoang đã bỗng trở nên có giá nơi non bộ, chậu hoa. Con cá, con cua, con ốc vô danh nơi bùn lầy nước đọng bỗng trở nên xinh đẹp, kiều diễm nơi bể cạn trong suốt như pha lê.

Thế đấy, chỉ một chút thư giãn của những người tự tin đã làm đổi đời, cao giá những sinh vật hoang dã bé nhỏ tầm thường. Lớn lên trong nắng gió khắc nghiệt chúng ta mang dáng vẻ tự nhiên, chất phác cứng cáp của những người công nhân đường sắt miền Trung. Không uốn éo tạo dáng vương mốt thời thượng, không hợm của trưởng giả học làm sang. Người xưa dạy: nhìn cây biết người, vẫn còn nghiệm đúng thời nay. Ai tìm được gốc mai rừng tứ quý. Xòe nở hai tầng năm cánh hoa. Ai đoán được cây bằng lăng tím gấp hai lần tuổi cầu sắt Lại Giang. Bây giờ, người hiền đông, cây quý nhiều. Đó là điềm lành của đất nước. Nghe nói trên đỉnh núi cao, phía tây hầm Phú Củ gần buôn người Êđê, có hoa sim trắng, lan bông đỏ rất quý mà chưa tìm được. Thực là là ngại đi tìm.

-Vì sao vậy? Ai dó đã lên tiếng hỏi.

-Ngại vì nỗi tìm thấy, đem về trồng. Nếu kẻ gian biết được có khi mang họa vào thân.

Ngày trước, nơi này cướp bóc thường xuyên. Cướp cả ô tô. Cách đây sáu năm bọn cướp bắn chết công nhân tuần đường. Vụ án rơi vào quân lãng. Nơi đây heo hút nhất tuyến đường. Ngày chuyển mùa, gió từ phía bắc tuồn mây qua hầm trắng xóa như bông trùm kín mái nhà. Gặp gió khô nam cuối mùa, mây cuộn lại rồi bất ngờ biến mất bên sườn núi chênh vênh. Hầm cách nhà không xa về phía bắc. Trần hầm ẩm ướt, tối om. Làm việc trong hầm giữa ban ngày phải thắp đèn măng sông hoặc chạy máy phát điện . Tàu đến lại tháo dỡ đưa ra khỏi hầm. Nay chọn buổi nắng đẹp, dùng gương lớn phản chiếu lòng hầm rực rỡ như ban ngày. Những khung ray chống hầm mới lắp ánh lên nước sơn màu lá mạ. Nằm kề vách núi nhà gác hầm hai mái xinh xinh đủ rộn cho bốn người ăn ở thoải mái. Nhà gác cầu thì lại khác. Trông xa như thể biệt thự hai tầng mái bằng. Tầng dưới áp sát chân đường sắt. Chia làm hai bên trong là diện tích phụ, gạch men trắng tinh bên ngoài là bếp và phòng ăn. Men theo thế đất, cầu thang có mái che dẫn lên tầng trên. Phòng ngoài là nơi làm việc. Khoảng sân hẹp trông ra đường sắt; hoa nở ba phía ban công đủ loại vạn thọ. Đêm về, sông Nước Mặn mênh mông. Ngôi nhà như thể bồng bềnh như sóng. Hoa rau dăm lại tỏa hương ngai ngái đâu đây, phòng trong đầu đủ tiện nghi cho giấc ngủ ngon, nào ai ngủ được. Dẫu đêm qua thức trắng, vẫn mong dịp chạy vào trong làng làm séc bóng cho đỡ ngứa đôi tay. Xí nghiệp có đội bóng chuyền xếp hạng A1 toàn quốc mà không dám nhận. Nhiều người ngạc nhiên hỏi:

-Sao lại không nhận.

-Nếu nhận thì… lấy gì mà nuôi.

Đó chỉ là một cách nói vui. Các tuyển thủ không nằm trên Xí nghiệp, mà chia đều đi các nơi. Vừa lao động theo nghề, vừa là huấn luyện viên ở các cung đường, duy trì phong trào, tạo thêm giống mới. Vì không nhận danh hiệu A1 các tuyển thủ của đơn vị có thể hòa nhập với bất cứ đội bóng nào, tham gia mọi giải phong trào của các địa phương nơi đường sắt đi qua. Thậm chí có mặt trong đội bóng nhà trường với danh nghĩa là học viên bổ túc văn hóa. Khi tham gia thi đấu, lúc hướng dẫn luyện tập, bóng chuyền góp thêm gắn bó với các địa phương, các ngành, các trường học. Thân thiết với các công nhân, các cháu học sinh coi đường sắt chạy qua làng như thể con đường dẫn tới lớp, tới trường. Tham gia giữ gìn đường sắt sạch, đẹp, an toàn. Tàu chui qua hầm Bình Đê, ông khách thản nhiên kéo lưới bảo vệ lên. Biết là nguy hiểm, tôi vẫn làm ngơ. Người ở thành phố tự giam mình trong vòng vây sắt thép. Chấn song sắt. Cửa sắt hoa. Lồng ban công sắt. Cửa xếp bằng sắt khi đóng ki mở rít chói tai. Khóa sắt và xích sắt lanh canh. Mấy khi gặp ngọn gió tươi. Mấy khi được nhìn qua cửa sổ toa tàu không lưới bảo vệ  màu xanh phóng khoáng nguyên mảng đồng quê. Trời như cao thêm. Đất như rộng ra. Gương mặt buồn của ông khách nhuần tươi trở lại. Ông nói với tôi:

- Yên tâm đi. Đoạn này an toàn. Ước gì bỏ hẵn lưới bảo vệ.

- Tôi cũng mong thế.

- Hình như lần đầu ông đi tàu?

- Đúng ra là lần đầu tôi đi đường dài.

- Còn tôi thì tuyến ngắn, tuyến dài, đi tất. Trừ tuyến đường sắt, đúng ra là đường goòng khu Năm hồi kháng chiến chống pháp là chưa đi.

Lớp trẻ ngày nay thuộc lòng câu thơ: Lột sắt đường tàu. Rèn thêm dao kiếm có đâu biết suốt chín năm trường kỳ xe gòong vẫn hiên ngang lăn bánh trên đường sắt khu Năm tự do. Lần lại trang sử cũ, biết đâu ngành đường sắt lại có thêm những tập thể, cá nhân anh hùng. Chuyến goòng cuối cùng chở cán bộ, bộ đội về Quy Nhơn, để đi chuyến tàu thủy cuối cùng tập kết ra Bắc, chạy chậm như người đi bộ. Ga nào cũng dừng. Trên tuyến goòng năm ấy có người vợ trẻ tiễn đưa chồng. Hẹn hai năm sau. Ai ngờ đằng đẳng hơn hai mươi năm trời, hai phía thủy chung chờ đợi bạc trắng mái đầu. Cuộc đời Phó giám đốc Xí nghiệp Hoàng Huy Bích cùng một lúc hai lần thủy chung. Ông chung thủy với đường sắt, chung thủy với người vợ quê hương. Ông nhớ mãi tuyến tàu Thống nhất đầu tiên. Ga miền Trung chan hòa nắng gió. Náo nức cờ hoa mà ai nấy nghẹn ngào:

Hai mươi năm tàu lại qua làng
Em đừng khóc dễ làm lây nước mắt
Lắm tiễn đưa nên nhiều hẹn gặp
Sân ga nào cũng thấy nôn nao.

Phút giây mặt gỡ hiếm hoi ấy, hơn hai mươi năm mới có một lần. Giá mà ông có máy ảnh trên tay. Rồi lại hai mươi năm nữa. Trở về với đường sắt quê hương, năm nào cũng vậy, mang theo máy ảnh, ông lần theo từng thanh tà vẹt, đi bộ cùng anh em kiểm tra suốt tuyến đường. Đi bộ cùng những ngọn đèn dầu, thắp sáng đời mình, thầm lặng đêm đêm thức với con đường đợi những đoàn tàu bình yên ra Bắc vào Nam 

Hà Nội, ngày 06/01/1997
L.Đ.C


Bài viết chuyên đề khác