32 năm - Đại lượng thời gian ấy - với con người đủ làm “thước đo” từ tuổi ấu thơ đến độ trưởng thành; với lịch sử đơn vị 36 năm xây dựng và phát triển, mà trong đó có 32 năm duy trì đều đặn ngày hội văn hóa thể thao truyền thống thì thật nể trọng và kính phục. Đơn vị ấy, nói mà không sợ quá lời mỗi lần nhắc đến thì hơn 4 vạn CBCNV ngành ĐS đều xướng lên với cái tên gọi thân thương trìu mến Công ty QLĐS Nghĩa Bình.
Với tôi nhắc về ngày hội Văn hóa - thể thao truyền thống của Công ty QLĐS Nghĩa Bình có những kỷ niệm không thể phai mờ trong ký ức. Thật vậy, cứ mỗi độ thu về tôi lại nhớ về Qui Nhơn, Bình Định đến nao lòng: “... Qui Nhơn tôi vẫn nắng vàng, hoa phượng đỏ/Áo trắng bay những chiều lộng gió biển vẫn xanh con sóng vỗ hiền hòa...”. Lạ thay nỗi niềm của tôi - chàng phóng viên quèn báo ĐS và nhà thơ Vũ Thanh lại có cùng nỗi nhớ. Ở Vũ Thanh trong “Quy Nhơn - Đôi mắt người xưa” nhớ “Đôi mắt ấy ngàn lần không hiểu nổi/một lần trông mà nhớ tới bao giờ”. Còn tôi, trái tim như thể bị bóp nghẹt bởi những ca từ da diết đến gai người: “Anh sang vườn đào em sang vườn mía/Anh lên rừng quế em lại đến nương dâu, Anh đi tìm em em ở nơi nào... Để lòng anh mong, để lòng anh nhớ ai thương em như thế... Hỡi cô gái Nghĩa Bình. Vâng, tiếng hát ấy không phải của một ca sĩ chuyên nghiệp được cất lên ở một sân khâu lộng lẫy ánh đèn, mà của một chàng trai dạn dĩ tay chèn, tay búa quanh năm bầu bạn với con ĐS thân yêu và nó được cất lên ở sân khấu hội diễn văn hóa - thể thao truyền thống của Công ty QLĐS Nghĩa Bình vào những năm thập niên cuối thế kỷ trước. Điều ấy nói lên sức lôi cuốn và “hớp hồn” không chỉ lời ca, người thể hiện, mà là cốt cách của tình người và tình đất nơi này.
Các đồng chí Đoàn Duy Hoạch - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy ĐSVN, Lê Quang Nghĩa - Bí thư, Chủ tịch công ty trao cúp, cờ và giải thưởng các giải toàn đoàn ngày hội.
Đến với ngày hội văn hóa - thể thao truyền thống lần thứ 32 của công ty lần này tâm hồn tôi vẫn tươi rói nặng lòng với những lời ca: “... Anh thăm vườn dừa, dừa xum xuê trái/Đưa tay anh hái, nhưng mãi đợi chờ ai...”. Tôi như đang mộng du đi trong những ca từ “Đi tìm người hát lý thương nhau” của nhạc sĩ Vĩnh An thì lời phát biểu của ông Nguyễn Thái Linh - Giám đốc công ty khai mạc Hội diễn Văn hóa - Thể thao truyền thống của Công ty QLĐS Nghĩa Bình đã kéo tôi về thực tại: “Trải qua 36 năm phấn đấu, xây dựng và phát triển công ty, cùng với việc phấn đấu thực hiện đạt hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, chất lượng cầu đường, tốc độ chạy tàu không ngừng nâng cao, an toàn giao thông ĐS đảm bảo gắn với quá trình đó công ty không ngừng chăm lo xây dựng, phát triển đời sống văn hóa trong công nhân lao động. Cho đến nay, trong toàn công ty đã hình thành đầy đủ cơ sở vật chất và các cơ chế hoạt động văn hóa thể thao là tiền đề thúc đẩy phong trào văn hóa - thể thao của công ty phát triển vững chắc cả chiều rộng lẫn chiều sâu mà đỉnh cao là ngày hội văn hóa thể thao truyền thống của công ty”.
Xin điểm lại đôi nét về ngày hội văn hóa - thể thao lần thứ 32 của công ty, một trong những yếu tố làm nền hồn cốt truyền thống văn hóa của đơn vị hơn 30 năm qua.
Tham gia tranh tài lần này có 250 vận động viên, diễn viên với 10 môn thi đấu đó là các môn: bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, kéo co, cờ tướng, bi a, cây cảnh, hát theo băng hình, báo tường và văn nghệ. Có thể nói suốt 3 ngày hội diễn ra từ 19 đến 21-8-2012, các khu văn phòng, thể thao, dịch vụ của công ty đầy ắp tiếng hò reo, sôi động.
Môn bóng chuyền thu hút 8 đội tham gia đấu vòng tròn; 2 đội xứng đáng nhất vào trận chung kết, đó là Đội QLXDCĐ Quảng Ngãi và Đội QLXDCĐ Bồng Sơn. Với lực lượng đồng đều, lối đánh công thủ toàn diện, chiến thuật hợp lý Đội QLXDCĐ Quảng Ngãi đã vượt trội giành chiến thắng 3-0 trước Đội QLXDCĐ Bồng Sơn giành giải nhất. Đội QLXDCĐ Bồng Sơn mặc dù có rất nhiều cố gắng nhưng tâm phục khẩu phục đội bạn giành chiến thắng xứng đáng, và tự viết tên mình vào vị trí thứ 2. Đồng giải ba là Đội QLXDCĐ Diêu Trì và Ga Diêu Trì.
Môn bóng bàn đôi nam có 7 đội tham gia. Đối với ngành ĐS, ngoài các vận động viên khu vực Hải Dương thì dường như bóng bàn là thế mạnh của ĐS Nghĩa Bình, đã nhiều lần các tay vợt của Công ty QLĐS Nghĩa Bình đứng trên bục vinh quang. Tiếp nối truyền thống ấy, trong lần thi đấu tại ngày hội văn hóa của thể thao của công ty, thì sức lôi cuốn, thu hút khán giả đông nhất là môn bóng bàn. Khó có thể cắt nghĩa, những bàn tay chai sạn rắn chắc hàng ngày chăm sóc con ĐS mà khi thi đấu bóng bàn lại mềm dẻo lắc nhẹ cổ tay để điều chỉnh trái bóng với quả ve, nhát cắt, hoặc mạnh mẽ với những cú tấn công dứt điểm đến thế.
Sau những ngày tranh tài quyết liệt, đôi nam Đội QLXDCĐ Diêu Trì đã vượt lên giành giải nhất, Đội QLXDCĐ Bồng Sơn giành giải Nhì, đồng giải Ba là Đội Cơ quan và Ga Diêu Trì.
Kéo co là môn thể thao sức mạnh, nhưng đòi hỏi phải có chiến thuật hợp lý, sự đồng lòng, hợp lực, và cách bố trí quân, khi tấn công, lúc hoãn hòa làm sao thật nhịp nhàng thì mới có cơ giành chiến thắng. Tổng hợp được các “chiêu” ấy là Đội QLXDCĐ Diêu Trì và họ xứng đáng xướng tên vào giải Nhất trong 8 đội tham gia lần này.
Một tiết mục văn nghệ dự thi ngày hội.
Xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, cây cối, cảnh vật... mà những chàng trai cô gái Công ty QLĐS Nghĩa Bình những lần nghỉ ngơi sau mỗi giờ lao động tại hiện trường, họ nhìn thấy ngắm nghía, khi thì một nhánh cây, lúc hòn đá... Thế rồi họ mang về chăm chút gửi hồn mình vào đó thành những tác phẩm “Bon sai”. Để đến ngày hội của công ty mang về tranh tài. Hãy nghe những vần thơ “Tản mạn kiểng thế” của bạn Q. tâm sự trên tờ “Phát triển” tờ báo của Công đoàn Cơ quan tham gia thi tài lần này.
“Kiểng cây làm đẹp cuộc đời
Thú chơi thanh đạm, nhiều người say mê”
Để rồi: “Ngày xuân dù có muộn màng
Nhạc tình tấu khúc đêm vàng phu thê”.
Môn cây cảnh lần này có 8 đơn vị tham gia thi, các chuyên gia sinh vật cảnh của tỉnh Bình Định là những người cầm cân nảy mực và thống nhất cao chấm cho tác phẩm “Uống sữa” của XN VTĐS Nghĩa Bình đạt giải nhất. Đấy là một cây xanh chon von trên “đỉnh núi”, tỏa những chùm rễ ăn sâu bám chắc vào đá, để rồi hút lên những giọt nước được ví như những giọt sữa để nuôi sống cành lá xanh tươi trên “non cao” của tác phẩm.
Môn báo tường luôn chiếm cảm tình của bạn đọc trong những ngày hội. Nhìn chung các tờ báo đều phong phú về nội dung, hấp dẫn về đề tài, trình bày đẹp, bắt mắt. Các vấn đề thời sự nóng hổi như biển đảo, quan trọng và cần thiết như Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cho đến văn hóa doanh nghiệp, chăm lo đời sống việc làm, thúc đẩy sản xuất, giữ vững an toàn... Rồi nhân tình thế thái của cuộc đời đều được các cây bút đưa ra bàn luận và thi tài. Các bài “Không xa đâu Trường Sa ơi”, “Về miền ký ức” xứng đáng đạt giải A. Bài “Ba và tuổi thơ” tuy đạt giải C nhưng lại khắc họa được hình ảnh thân thương kính phục người cha làm nghề tuần đường: “Ba đi trong đêm thâu/Và đi xuyên nắng cháy/Con đường xa tít ấy/Ôm trọn cuộc đời ba”.
Đọng lại trong tâm trí những người dự ngày hội với ấn tượng mạnh mẽ nhất phải nói là đêm thi diễn văn nghệ. Dưới ánh đèn sân khấu tôi không nhận ra họ mới ngày hôm qua thôi còn là chàng trai, cô gái tay búa, tay chèn, mồ hôi ướt đầm vai áo đêm ngày chăm sóc con ĐS để những con tàu vào Nam ra Bắc an toàn...
“... Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua...”. Giọng hát hào sảng vang xa được cất lên từ lồng ngực và con tim cháy bỏng tuổi trẻ của chàng trai Công ty QLĐS Nghĩa Bình như lời nhắn gửi yêu thương và tiếp thêm sức mạnh của đất liền với những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời hải đảo của Tổ quốc.
Tiết mục múa “Đồng đội” của Xí nghiệp KDDV-XDCT khiến người xem không thể nhận ra đây là những diễn viên “cây nhà lá vườn” hay là những diễn viên chuyên nghiệp được đào tạo bài bản. Những động tác múa phối hợp dứt khoát khỏe mạnh, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển... trang phục gọn gàng đẹp mắt... lại được “rước” lên với âm thanh, ánh sáng cộng với đạo diễn có nghề, tất cả đã tạo nên một tác phẩm hút hồn người xem. Biểu tượng về người lính Cụ Hồ, biểu tượng về đồng đội gian khổ và kiên cường dưới làn mưa bom bão đạn của quân thù nhưng đã thông minh và anh dũng làm nên chiến thắng oai hùng, hình ảnh những người đồng đội là tấm gương bất hủ tạc vào mọi không gian và thời gian.
Tấm màn sân khấu đã khép lại, ánh sáng đã bật lên, tiếng loa đã vang lên lời tạm biệt của đêm hội diễn, nhưng dường như ai cũng luyến tiếc, thèm thuồng họ còn muốn lưu lại để chia sẻ bên nhau, tụng ca nhau, động viên nhau và quan trọng còn muốn tranh tài với nhau thêm nữa...
Đã nhiều lần tôi tự hỏi: trước bao khó khăn gian khổ, đặc biệt là nghề cầu ĐS, và nhất là những năm gần đây, khi làn sóng đô thị hóa cùng kinh tế thị trường xâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, nhiều người vật lộn với mưu sinh chẳng màng đến đời sống tinh thần, nhiều rạp hát nguội ánh đèn sân khấu... Thế mà một đơn vị không chỉ làm tốt nhiệm vụ chăm sóc, giữ vững chất lượng con đường, an toàn mọi mặt mà còn giữ vững và phát triển phong trào văn hóa thể thao, không phải ít mà có tới 32 năm liên tục. Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu ấy, phải chăng hồn cốt, biểu tượng và cốt cách sống của các thế hệ CBCNV của đơn vị này làm nên. Cắt nghĩa điều này, ông Lê Quang Nghĩa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty QLĐS Nghĩa Bình trong lời bế mạc ngày hội văn hóa thể thao truyền thống năm 2012 của công ty đã nêu bật: “32 năm từ năm 1980 đến nay, một chặng đường thi đấu thi diễn, là món quà dâng tặng cho các thế hệ CBCNV, người lao động công ty. Nhìn một chặng đường, nhìn những mái đầu và những nụ cười ta mới thấy được chân dung của một phong trào. Có phải chăng ngày hội VH-TT của công ty ĐS Nghĩa Bình bắt nguồn từ đòi hỏi tất yếu của cuộc sống, đòi được thi đấu, đòi được lên sân khấu để thể hiện những khát vọng của chính con tim mình...”.
Viết đến đây những ca từ trong bài hát “Đi tìm người hát lý thương nhau” lại dội về trong tôi: “Bốn mùa trồng cây, bốn mùa em hái quả/Dầu bao vất vả mà em vẫn hát.../Câu hát lý thương nhau/Mà em vẫn hát... câu hát lý thương nhau. Tiếng hát quê hương, tiếng hát ân tình. Tiếng hát quê mình ôi biết mấy... yêu thương”. Phải chăng tiếng hát yêu thương, tiếng hát ân tình sẽ mãi mãi là khúc hoan ca bất tận của CBCNV Công ty QLĐS Nghĩa Bình.
Đêm thu Qui Nhơn hôm nay thật đẹp. Bầu trời trong vắt, trong không gian bao la của vũ trụ chỉ còn có ánh trăng. Giường như ánh trăng đang vắt kiệt sức mình để tỏa sáng. Bất giác tôi liên tưởng ĐS Nghĩa Bình là một ánh trăng và nó cũng đang tỏa sáng thứ ánh sáng trong trẻo và dịu mát... đến vô ngần.
Đặng Tiến Dũng (Báo ĐSVN)