Giữ vững danh hiệu đơn vị Anh Hùng Untitled Document



GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC

Lịch sử 40 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của Công ty Cổ phần Đường sắt Nghĩa Bình là một chặng đường dài đầy khó khăn, gian khổ; Song, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo các cấp ngành Đường sắt Việt Nam, của UBND hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, sự hợp tác giúp đỡ có hiệu quả của các Sở ngành, chính quyền cơ sở và nhân dân địa phương có đường sắt đi qua, toàn thể CBCNVC-LĐ Công ty bằng tất cả trái tim, khối óc; bằng ý chí nghị lực với tinh thần lao động cần cù sáng tạo, những người thợ cầu đường đã làm nên những điều kỳ diệu. Ghi nhận những cống hiến của CBCNV - NLĐ Công ty trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu đơn vị "Anh hùng lao động" trong thời kỳ đổi mới năm 1996, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2001, hạng Nhì năm 2006, hạng nhất năm 2011, Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều cờ thi đua của Chính phủ, các Bộ, Ngành... 


Giữ vững danh hiệu đơn vị Anh Hùng

MINH ĐỨC
(Đài TNVN)

Công  ty QLĐS Nghĩa Bình là một trong những lá cờ đầu trong hoạt động sản xuất, duy tu và bảo dưỡng đường sắt của ngành ĐS, được nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động  thời kỳ đổi mới. Đã mười năm qua, Công ty vẫn tiếp tục khẳng định vị trí của mình, xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng” mà Nhà nước đã trao tặng.

Suốt trong những năm qua, Công ty QLĐS Nghĩa Bình luôn hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Để đạt được thành tích này, Công ty đã thực hiện tốt tiêu chí “Người công nhân đường sắt” trong thời kỳ “Công nghiệp hóa – hiện đại hóa” là : “Đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo và hiệu quả”. Trên cơ sở “Rõ người – rõ việc, rõ sản phẩm, thiết thực, hiệu quả”. Những tiêu chí và phương châm này được thể hiện rõ nhất trong việc giao quyền và và khuyến khích các đơn vị áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Trong 3 năm gần đây, ngoài việc đảm nhận tốt nhiệm vụ duy tu và bảo dưỡng đường đạt tốc độ chạy tàu qua tuyến bình quân đạt 72,54 km/h, Công ty còn mạnh dạn nhận các công trình sửa chữa lớn ở ngoài. Khó khăn vì thiếu máy móc, thiết bị chuyên dùng nhưng lại “đủ” về  tinh thần “Dám nghĩ, dám làm” nên Công ty đã hoàn thành tốt các công trình và dần dần khẳng định được uy tín của mình. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, là phương châm hành động của Công ty. Đồng chí Võ Xuân Đông, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Công ty QLĐS Nghĩa Bình  cho biết: Quan điểm của lãnh đạo Công ty là tạo một phần việc làm tăng thu nhập cho anh em nhưng quan trọng hơn là tạo điều kiện để anh em học nghề. Thông qua công việc, trình độ tổ chức quản lý thi công, trình độ nắm bắt kỹ thuật phức tạp của công nhân được nâng lên rõ rệt. Đối với lãnh đạo các đội, thông qua đó cũng nâng tầm quản lý điều hành của mình tốt hơn.

Đội quản lý xây dựng Cầu đường Diêu Trì là đơn vị đầu tiên được chọn làm thí điểm khoán công trình xây dựng lớn. Trong 2 năm 2003 và 2004, đội mạnh dạn nhận và đã hoàn thành 5 công trình sửa chữa lớn, trong đó có 2 cầu làm hoàn toàn mới đòi hỏi công  nghệ cao, như cầu đường sắt dài 16,5m ởc Km 1088+178.Anh Lê Văn Tại, đội trưởng Đội Quản lý xây dựng Cầu đường Diêu Trì kể về nỗi lo của người lãnh đạo trong lúc “Vạn sự khởi đầu nan”, và nay thì anh luôn miệng cười vì mọi việc đã hoàn thành tốt đẹp. Anh Tại tâm sự: “Lúc đầu hơi ngại, nhưng sau đó làm được rồi, anh em mừng lắm, họ lại muốn nhận thêm công trình. Hồi đầu khi mới nhận việc thấy nói làm cầu phải đóng cọc, đổ bê tông thấy khó, nhưng làm rồi mới thấy đơn giản. Từ hồi đó đến giờ, rút kinh nghiệm thấy làm cầu lớn cũng không khó lắm. Mình cứ quản lý chặt một chút, kiểm tra kỹ thì mọi việc đều hoàn thành với chất lượng tốt”.

Khi mới nhận công trình lớn không phải chỉ có các đội sản xuất “ngại” mà lãnh đạo công ty cũng “ngại”. Nhưng Công ty đã khuyến khích tạo điều kiện để các đội “Dám nghĩ, dám làm”. Từ việc các đơn vị chỉ chờ Công ty giao nhiệm vụ đến nay họ đã đứng ra nhận những công trình khó. Công ty cũng đã chuyển từ cơ chế “tập thể” sang cơ chế “cụ thể”, nghĩa là giao từng km đường, từng cây cầu cho các đơn vị quản lý. Và từ năm 2005, Công ty đã thực hiện cơ chế khoán tiền lương cho các đơn vị. Chính với cách làm này sản lượng SXKD ngoài nhiệm vụ của Công ty năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2001, giá trị sản lượng của Công ty mới đạt 20 tỷ đồng thì từ năm 2002 đến 2004 đạt từ 34 – 36 tỷ đồng. Ông Lê Quang Nghĩa, Giám đốc Công ty QLĐS Nghĩa Bình thì luôn nói về cái “ngưỡng” hay nói khác đi là những khó khăn ban đầu mà nếu mạnh dạn vượt qua khó khăn đó thì sẽ thành công. Ông Nghĩa tự hào: “Chúng tôi cũng đã vượt qua những cái “ngưỡng” như thi công  công trình bằng vốn ODA ở cầu Bồng Sơn. Cái khó của CBCNV Công ty là phải hiểu tài liệu, giao tiếp bằng 2 thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Anh. Lúc đó anh em kỹ thuật đã “quăng sách”. Còn tôi thì nói “Thôi các cậu sợ thì thôi, tôi xin lỗi họ và xóa hợp đồng vậy”. Thế rồi đêm hôm đó các ông ấy lại dựng tôi dậy, hỏi điều này điều nọ. Cuối cùng anh em cũng nhận và cũng làm được. Nói chung cũng qua hết giám sát, tư vấn nước ngoài và hoàn thành mỹ mãn. Đó là cái ngưỡng chúng tôi vượt qua”.

Ông Nguyễn Như Tòng, nguyên Giám đốc Xí nghiệp QLĐS Nghĩa Bình (nay là Công ty QLĐS  Nghĩa Bình) đã từng nói với chúng  tôi:” Công nhân ở các cung cầu, cung đường vất vả lắm. Chính vì vậy ngoài việc giao nhiệm vụ cho từng đơn vị. Ban giám đốc công ty bằng mọi cách, mọi biện pháp có thể xây dựng cơ sở vật chất để công nhân an cư lập nghiệp, từ đó công nhân gắn bó với đơn vị” qua mỗi năm, trụ sở các cung đường lần lượt được xây dựng và nâng cấp. Anh Nguyễn Văn Phú, cung trưởng cung đường Vĩnh Phước thuộc Đội QLXD cầu đường Bồng Sơn tiếp chúng tôi tại trụ sở đang còn thơm mùi sơn, được xây dựng năm ngoái. Đây là cung đường cuối cùng trong 22 cung đường được xây dựng khang trang hiện đại với những vườn hoa cây cảnh giữa vùng đồi đất cằn. Anh Phú kể rằng mãi đến năm 2000 cung đường Vĩnh Phước mới có điện, còn trước đó phải dùng đèn dầu. Cũng có máy phát điện nhưng thỉnh thoảng mới dám dùng. Nay có nước  giếng rồi phải khoan xuống 16m mới có nước. Có nhà mới, có nước, có điện, anh em phấn khởi lắm. Hội thi cây cảnh hàng năm được Công ty tổ chức cũng là để anh em có nhiều cây cảnh đưa về làm đẹp trụ sở. Khác với những năm trước đây, bây giờ hội thi cây cảnh đã”Tiến thêm một tầng cao mới”: thi “Thế cây”, “Tạo thế” cho cây là cách thư giãn làm cho tâm hồn mỗi người “đẹp” hơn.

Ông Nghĩa nói với chúng tôi: “Trong khi đang lo việc làm thì tại sao lại phải đi thuê người ngoài xây dựng trụ sở cho mình. Vì lý do đó chúng tôi đã mày mò, học hỏi và kết quả là chúng tôi đã xây dựng được trụ sở khang trang. Hơn thế nữa chúng tôi đã có một Xí nghiệp KDDV & XDCT có thể đảm đương những công trình lớn, đủ sức cạnh tranh với các đơn vị xây dựng khác ở Bình Định”.

Công ty QLĐS Nghĩa Bình – một trong hai đơn vị đầu tiên của Ngành Đường sắt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới. Đến nay Công ty vẫn xứng đáng với danh hiệu này. Đó là thành tích không nhỏ, bởi vì như người ta thường nói: “Đạt được danh hiệu Anh hùng đã khó nhưng giữ được danh hiệu Anh hùng càng khó hơn”.

Hà Nội, tháng 5/2005
M. Đ


Bài viết chuyên đề khác